Mạnh mẽ, quyết đoán, dám nghĩ dám làm – chị Lê Hoài Thu – một giáo viên trường nghề - đã khởi nghiệp và từng bước thành công trong việc làm giàu trên mảnh đất quê hương từ nghề làm Bánh đa nem truyền thống Hà Tĩnh.
Đến thăm cơ sở sản xuất bánh đa nem của gia đình chị Thu mới thấu hiểu được những vất vả và sự quyết tâm giữ nghề của chị. Sinh ra trong gia đình có truyền thống làm nghề bánh đa vừng, từ năm 2010, chị Thu bắt đầu ấp ủ ước mơ phát triển nghề làm bánh đa nem, chị luôn trăn trở suy nghĩ làm sao để giữ gìn, phát triển nghề truyền thống từ bao đời nay của gia đình, quê hương và sản phẩm làm ra có thể đứng vững trên thị trường. Với vốn kinh nghiệm làm bánh đã tích lũy được, chị bắt đầu tìm tòi, nghiên cứu và tham quan các mô hình sản xuất bánh đa nem trong và ngoài địa bàn để trau dồi thêm kiến thức, kỹ năng. Sau khi nắm được công thức chế biến, cách phối trộn nguyên liệu, chị đã bàn với và gia đình mở xưởng làm bánh đa nem để phát triển kinh tế.
Chị Thu cùng gian hàng trưng bày sản phẩm bánh ram của mình
Nhờ sự cổ vũ động viên từ gia đình và sự quyết tâm của bản thân, năm 2011 gia đình chị mạnh dạn vay mượn từ ngân hàng và anh em bạn bè hơn 1 tỷ đồng đầu tư xây dựng nhà xưởng và các trang thiết bị sản xuất như máy tráng bánh, máy ép chân không, máy xay bột, máy cắt bánh phục vụ sản xuất….và bắt đầu làm những mẻ bánh đầu tiên.
Những năm đầu mới bước vào nghề chưa có kinh nghiệm, nguồn vốn ít ỏi, đầu ra sản phẩm chưa ổn định nên cơ sở của chị chỉ sản xuất một lượng nhỏ bánh đa nem và bán cho các quán tạp hóa trên địa bàn và chủ yếu giải quyết việc làm cho lao động trong gia đình.
“Ngày đó, bánh đa nem của gia đình tôi chưa có tên tuổi, ít người biết đến, trong khi nghề bánh đa nem tại Hà Tĩnh đang phát triển rầm rộ, nhiều cơ sở có thương hiệu lâu đời nên việc tiêu thụ gặp không ít khó khăn, kéo theo lương nhân công cũng đạt thấp. Sản phẩm làm ra cũng phải đi giao tận nơi. Các thành viên trong gia đình phải thức khuya dậy sớm nhưng thu nhập không được là bao, chỉ vừa đủ chi phí chứ chưa có lãi”, chị Thu tâm sự.
Không nản chí trước khó khăn, để tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm, ngoài công việc tại trường, chị đã tranh thủ thời gian trực tiếp đến các chợ, quán ăn trên địa bàn để giới thiệu hàng, rồi thông qua các trang mạng xã hội để tìm đầu ra cho sản phẩm.
Dần dần khi nguồn vốn được cải thiện, chị cũng mạnh dạn thuê thêm nhân công, mở rộng quy mô làm ăn. Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, các sản phẩm của gia đình chị Thu làm ra đạt chất lượng tốt, năng suất cao, giảm chi phí nhân công, các sản phẩm bắt đầu có chỗ đứng trên thị trường, được nhiều khách hàng trong và ngoài địa bàn tỉnh biết đến.
Từ việc gặp nhiều khó khăn cho đầu ra, đến nay các sản phẩm của gia đình chị được tiêu thụ đều đặn, trung bình hàng tháng cơ sở sử dụng trên 30 tấn gạo các loại, sản xuất ra gần 2.000 vạn liếp bánh thành phẩm mỗi năm. Với những tháng cao điểm như dịp Tết Nguyên đán, cơ sở của chị có thể sản xuất gấp 3-4 lần so với ngày thường. Mỗi năm sau khi trừ tất cả các chi phí, gia đình chị thu lãi hàng trăm triệu đồng. Không chỉ tạo nguồn thu nhập khá cho gia đình mà cơ sở sản xuất của chị còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 6-8 lao động địa phương, với mức lương từ 4-6 triệu đồng/người/tháng.
Những chiếc bánh đa nem mỏng manh vốn là một trong những nguyên liệu không thể thiếu để làm ra món ăn quen thuộc trong văn hóa ẩm thực của người Việt. Với mong muốn gây dựng được thương hiệu riêng, chị Thu đã mạnh dạn nộp hồ sơ tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhằm tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sản phẩm cũng như xây dựng thương hiệu bánh đa nem riêng. Qua thẩm định từ hồ sơ đến chất lượng sản phẩm, thương hiệu bánh đa nem Anh Thu của chị đã được UBND tỉnh Hà Tĩnh công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao, đồng thời bánh đa nem của chị cũng vinh dự là một trong số các sản phẩm được lựa chọn để quảng bá đến các doanh nghiệp về sản phẩm tiêu biểu, đặc sản của địa phương.
Là một phụ nữ ham học hỏi, nhạy bén trong kinh doanh, chị Thu đã bắt đầu đưa thương hiệu bánh đa nem của mình lên các sàn giao dịch điện tử, các trang mạng xã hội để quảng bá sản phẩm, thu hút khách hàng. Chỉ trong thời gian ngắn tiếp cận với thương mại điện tử, sản phẩm của chị đã được hàng ngàn người biết đến. Đến nay, sản phẩm bánh đa nem Anh Thu đã phân phối ra 30 tỉnh thành trong cả nước và vươn ra thị trường một số nước trên thế giới như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản…
Với lòng yêu nghề, dám nghĩ, dám làm, năng động trong sản xuất, chị Lê Hoài Thu trở thành một tấm gương điển hình trong phong trào làm kinh tế giỏi của địa phương.